Cụ Đồ Chiểu Có Làm Thơ
Khóc Thương Phan Thanh Giản?
BS. Nguyễn Văn Thịnh
06-Feb-2015
Giữa hai người con đồng thời của đất Nam Kỳ: Trần Văn Giàu và Võ Văn Kiệt, nên tin ai khi mỗi người nhìn Phan nhân một khác? Trong lúc cả xã hội đang rất lo lắng bởi lớp trẻ thờ ơ với môn sử học mà lại có những ông thầy bảo chúng cúi đầu tạ ơn một viên đại quan hèn bạc nhược trốn tránh trách nhiệm quốc gia! Trước lũ giặc mới hùng hổ như cọp beo, xảo quyệt như lang sói, đang lau súng mài dao trước ngõ thì lớp trẻ biết noi tấm gương nào để bảo vệ nước non này? (Nguyễn Văn Thịnh)
Trên một FB ngày 22/01/2015 có bài “Viết về Phan Thanh Giản” dưới bút danh Nguyễn Anh Văn, viết:
“Có một số "anh hùng bàn phím" không rõ ghen ăn tức ở với ai, vì lẽ gì mà đăng đàn chửi bới, nói rằng các nhà sử học đổi trắng thay đen, nhằm viết lại lịch sử...”.
Xin thưa, chuyện Phan đại thần cách nay 150 năm rồi. Nước mất thì dân ta đã lấy lại được. Người chết chẳng thể sống lại hại ai. Cuộc sống bề bộn không thiếu gì nỗi buồn lo mới. Sức đâu mà nghĩ điều ân oán của chung thiên hạ? Nhưng với lịch sử còn rành rành ra đấy trên những trang giấy chưa mờ, trên những lời răn dạy truyền qua mấy thế hệ còn nghe từng hơi thở. Những con người ai dũng ai hèn. Những sự kiện đớn đau uất hận mà tiền nhân ta phải chịu. Khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại cho phép ta có đủ độ chín, tầm nhìn để cần lên án ai và tha thứ cho ai, thậm chí cần quên đi những điều nhỏ nhặt.
Cái sự quên như con dao hai lưỡi. Nó có thể khiến con người ta không còn gốc gác. Khi con người không biết mình là ai thì có gì phải giữ? Phó mặc sự đời! Tuy nhiên, nhờ có sự quên cũng giúp người ta tự quăng đi sự trì níu vô duyên để thênh thang dài bước trên con đường vạn dặm. Cuộc đời 74 năm của cụ Phan không phải là xấu hết. Nhưng với một con người đến lúc “cái quan nhận định” là đời đã có thể nói câu kết cuối cùng. Phan nhân là bậc chí sỹ, là quan đại thần trọng yếu nắm chính sự quốc gia. Người xưa nói: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, “Nước loạn mới biết tôi trung”. Người dân nhìn ông là bậc chí sỹ có trách nhiệm cao trước đấng quân vương, trước thần dân trăm họ; nhìn ông là trụ cột triều đình đã làm được gì lúc quốc gia vong biến?
Chính sử của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đánh giá công minh: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là đồng phạm. Riêng trong sự kiện để lục tỉnh Nam kỳ lọt vào tay giặc thì Phan là chính phạm”. Chữ ký của Phan, Lâm với tên quan Pháp Bonard năm 1862 dâng ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, đảo Côn Lôn và bức công thư dụ hàng của Phan khâm sai năm 1867 để ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên lọt vào tay tướng Pháp De Lagrandière còn lưu trong thư khố.
Ông bạn tên Văn cũng thừa nhận rằng: “Phan Thanh Giản có phần trách nhiệm trong việc để mất 6 tỉnh Nam kỳ” và “Phan Thanh Giản phải lãnh trọng trách liên quan tới vận nước mà ông đã không làm tròn”! Vậy thì hậu thế nên thông cảm và hãy thương ông, để ông thảnh thơi yên giấc, chớ sao lại dựng ông dậy, đưa ông ngồi vào đền thờ các bậc thánh sư thì ông đâu dám nói gì? Và còn dám nhìn ai khi dựng tượng ông đứng nghênh ngang trên mảnh đất thấm đẫm máu xương của bao nhiêu thế hệ bởi chính ông đã không làm tròn trọng trách trước thiên tử, trước muôn dân?! Thế mới nên chuyện để đời soi mói.
Càng làm khổ người đã khuất! Giữa hai người con đồng thời của đất Nam Kỳ: Trần Văn Giàu và Võ Văn Kiệt, nên tin ai khi mỗi người nhìn Phan nhân một khác?
GS Trần Văn Giàu
Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt
Trong lúc cả xã hội đang rất lo lắng bởi lớp trẻ thờ ơ với môn sử học mà lại có những ông thầy bảo chúng cúi đầu tạ ơn một viên đại quan hèn bạc nhược trốn tránh trách nhiệm quốc gia! Trước lũ giặc mới hùng hổ như cọp beo, xảo quyệt như lang sói, đang lau súng mài dao trước ngõ thì lớp trẻ biết noi tấm gương nào để bảo vệ nước non này?
Cái chết của Phan Thanh Giản không thể coi là tử tiết dù ông nói rất hùng hồn: “
Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống” vì “
Phan Thanh Giản không đội trời chung được với giặc Phú lang sa”?! Thực ra Phan đã không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà Nội; như Nguyễn Tri Phương không chịu cứu trị vết thương, nhịn ăn quyết chết theo thành; như Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định. Trái lại, Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc chu đáo. Ông gởi một lá sớ lên vua Tự Đức xin xá tội. Ông gởi một bức thư dài cho Lagrandière: Hết lời ca ngợi “
tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương” (!); ca ngợi Hải quân Trung tướng Bonard với “
những võ công hiển hách chinh phục xứ này, là người
đồng chung một ý tưởng từ lâu về vấn đề lấy xứ Nam kỳ làm thực dân địa và rất tiếc là người đã ra đi trước,
bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã được” (!); ca ngợi Đề đốc Rigault de Genouilly “
có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài” (!); ca ngợi Đề đốc Lagrandière “
là người tạo lập ra thuộc địa Nam kỳ” (!)… toàn là những từ hoa mỹ nể trọng, ân tình thắm thiết!
Đô Đốc Pháp, Pierre-Paul de La Grandière (1807-1876) chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long, Châu Đóc, Hà Tiên năm 1867
Trong khi vị quan đồng liêu Phạm Phú Thứ khi nói đến lũ giặc mắt xanh mũi lõ, lúc nào cũng dùng những hình dung từ miệt thị như: “heo lớn”, “rắn dài”, “sài lang”… Phan bày lòng ra “đã dành dụm được mấy ngàn quan” và ngỏ lòng “giao cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn học thành tài”! Ông cũng không quên ghi mấy câu “triệu” ghi trên minh tinh (miếng lụa dài ghi tên họ, chức hàm của người chết), căn dặn con cháu thực hiện khi phát tang. Nghe ngóng động tĩnh từ triều đình vẫn bặt tin, ông thất vọng biết rằng tội kia không thoát chết!
Gần một tháng sau khi phát thư dụ hàng thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện pha với dấm thanh. Trong thời gian ấy nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho thuốc ông một mực từ chối. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên Tổng tham mưu trưởng kể về những giờ cuối đời của ông quan này:
“… Lúc các ông quan (Nam triều) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (mấy sỹ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều, lại hỏi: “Liệu có cứu được tôi không?” Than ôi, khi đó đã quá muộn rồi!”. [Nguyễn Duy Oanh, "Chân dung Phan Thanh Giản", Sài Gòn, Tủ sách sử học Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên CHVN, 1974. Đây là tài liệu đáng tin cậy, có dẫn chứng tư liệu Hán ngữ và Pháp ngữ]
Cụ Đồ Chiểu (1822-1888) mù mà có “
con mắt sáng” nhìn rõ tâm can của “ông bạn” già này, mới hạ lời tiễn biệt:
An đắc thung dung tựu nghĩa thần (Sao có thể thung dung thành thần được!). Thì ra quan lớn khéo “tu” nên đã thành tinh. Chẳng những lừa được thiên hạ đương thời, lại lừa được hậu thế hàng trăm năm nữa! Trong lịch sử Việt Nam chưa có viên đại quan nào làm những việc bất minh trước Trời-Đất-Quỷ-Thần mà còn để lại bao nhiêu điều rối ren cho hậu thế!
Ông bạn tên Văn lý sự: “Khoan bàn đến việc các nhà sử học có tắc trách hay cố ý "viết lại lịch sử" hay không, thì không gì bằng hãy lắng nghe ý kiến của một con người cùng thời với Phan Thanh Giản: Nguyễn Đình Chiểu được xem là ngọn cờ đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ thời bấy giờ đã khóc thương khi hay tin Phan Thanh Giản mất. Nhà thơ mù đất Bến Tre bằng ngòi bút "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" luôn có con mắt sáng khi nhìn sự việc: ông đánh giá sự hy sinh của nghĩa binh Cần Giuộc đánh đồn, cũng như khi ông làm 2 bài thơ điếu Phan Thanh Giản với lời lẽ thắm thiết thương cảm lắm…”.
Từ năm 2009, nhà nghiên cứu sử Dương Trung Quốc và nhà văn Hoàng Lại Giang cũng nói y như ông bạn vậy. Chả hiểu mấy ông có biết bào đệ của nhà thơ cũng là một nghĩa binh trong đội quân của “Bình tây đại nguyên soái” và đã “vị quốc vong thân” cùng chủ tướng, thì sao Cụ Đồ lại có thể thương khóc người đã chỉ chọc cho giặc cắt đôi khúc ruột của mình?! Vả lại đọc thơ cổ Xuân-Thu không thể như đọc thơ con cóc!
Tuần báo
Văn nghệ TPHCM tháng 3 năm 2009 có liền mấy bài của các vị hiểu nho chỉ bảo rõ lắm những câu thơ “ý tại ngôn ngoại”, tưởng khen mà chê, tưởng thương mà hận, tưởng bi mà hài! Đặc biệt trên số 55, Thứ năm ngày 26/3/2009, nhà giáo Phạm Thị Hảo, giảng viên môn Văn học cổ Trung Quốc tại ĐHSPTPHCM đã có bài: “
Viết về Phan Thanh Giản, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng bút pháp Xuân Thu”
(xem Phụ Đính ở dưới), giảng giải rành mạch ý tứ thâm sâu của cách “đối” thơ Hán–Nôm là như thế nào. Tôi sưu tra đưa trình toàn văn bài viết đó, các bạn đọc xem sẽ rõ. Đồng thời cũng là dịp thắp nén hương tưởng nhớ một nhà giáo lão thành khiêm nhường và tâm huyết, bởi bà đã từ biệt thế giới này hơn một năm nay giữa lúc chúng ta đang rất cần những người am hiểu văn tự Hán–Nôm.
TPHCM
ngày 25 tháng 01 năm 20015