Tổng số lượt KHÁCH xem trang

THUỐC CHỐNG RỤNG HOA/BÔNG MAI, BÔNG GIẤY, SỨ THÁI LAN, ĐỖ QUYÊN (SUPER A..Z)


THUỐC CHỐNG RỤNG HOA/BÔNG MAI, BÔNG GIẤY, SỨ THÁI LAN, ĐỖ QUYÊN (SUPER A..Z)

Thuốc chống rụng bông mai của chúng tôi đã có mặt ở thị trường Tây Nam bộ từ những năm '90 của thế kỷ trước và đến năm đầu tiên của thiên niên kỷ nầy Bộ Nông Nghiệp & PTNT với quyết định QĐ 6523/QĐ-BNN-KHCN ngày 19/12/2001 đã “CÔNG NHẬN SẢN PHẨM NẦY LÀ MỘT BIỆN PHÁP KỸ THUẬT MỚI ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ XUẤT KHẨU THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH” và tiếp theo đó đã đưa sản phẩm nầy vào”DANH MỤC PHÂN BÓN ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM ” liên tục cho đến ngày nayNhư vậy cho đến thời điểm nầy, chỉ có Thuốc chống rụngbông mai Super A-Z của DNTN THẢO TRÂM là được Bộ NN&PTNT côngnhận đạt hiệu quả kỹ thuật cao và tính pháp lý của sản phẩm thuốc chống rụng bông mai là một sản phẩm độc đáo của DNTN THẢO TRÂM được bà con xa gần trong cả nước biết đến hơn 20 năm qua nhất là khu vực Nam bộ, nơi mà thị trường sản xuất và tiêu thụ hoa mai mạnh nhất trong cả nước.Thuốc đã qua thử thách hằng chục năm rồi

xem chi tiết>>>


Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

..định hướng TBCN hay XHCN của giới truyền thông?

VTV: định hướng TBCN?

“Giai điệu tự hào”, một "sô" mà nhà đài VTV đã mua bản quyền từ một chương trình thành công của truyền hình Nga mang tên “Báu vật quốc gia” đã đến Việt Nam và đi được 2 số. Quả thực đây là một chương trình rất đáng làm, rất đáng xem bởi những bài ca đi cùng năm tháng được thể hiện trong chương trình không những đã thực sự làm người xem xúc động mà nó còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những ký ức lịch sử đáng trân trọng, lòng biết ơn đối với những thế hệ cha ông đã hi sinh biết bao xương máu để chúng ta có được độc lập, hòa bình như ngày hôm nay.
Điều đầu tiên phải ghi nhận là ekip làm chương trình đã chọn lọc được những ca khúc hay, dàn dựng công phu, ca sĩ thể hiện tốt, có một số cách điệu mới, thu hút được số lượng khán giả bình chọn cao. Bỏ qua một số tiểu tiết về trang phục ca sĩ, MC… thì chương trình này cơ bản về mặt chuyên môn là đạt. Ở đây chúng tôi muốn nói về những người bình luận cho các ca khúc. Sẽ không có gì đáng bàn nếu thực sự những đội “bình luận viên” làm tốt vai trò của họ là giúp cho người nghe hiểu hơn, cảm sâu hơn về ý nghĩa, cái hay của ca khúc. Tham gia bình luận cho chương trình có 2 cánh: cánh già gồm nhưng bậc lão thành, trưởng thượng như nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, NSND Trung Kiên, giáo sư Văn Như Cương, diễn viên Minh Châu, nhà văn Trần Thị Trường…, và các nhạc sĩ chủ nhân của ca khúc được trình bày; cánh trẻ gồm những nhà văn, ca sĩ, hoa hậu, MC, kiến trúc sư, bác sĩ… với những cái tên nổi có, chưa nổi cũng có.

Sau khi chương trình số 1 được phát vào ngày 25 Tết Giáp Ngọ, đã có nhiều ý kiến phản hồi trên các diễn đàn, trang mạng về cái sự “bình loạn” của cánh trẻ. Chương trình phát sóng đầu tiên có chủ đề “Bài ca năm tấn” gồm các ca khúc: Bài ca năm tấn, Tôi là người thợ lò, Cô thợ hàn, Những ánh sao đêm, Quảng Bình quê ta ơi và Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Ngay từ ca khúc đầu là “Bài ca năm tấn”, không một lời khen, sau một hồi tán hưu tán vượn rằng ca khúc này đã lỗi thời với thời đại và xã hội, nhà văn trẻ Trang Hạ đã phán: “…xuyên suốt bài hát là hình ảnh người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau (và đó) là một cái hình ảnh đẹp đẽ nhưng mà nó làm tổn thương xã hội này (?!). Bởi vì suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi, thậm chí là nói xin lỗi một số thanh niên nông thôn vẫn nói rằng là chúng tôi chẳng khác gì đời cha anh (?!), tức là lấy mông con trâu làm thước ngắm”. Tiếp đó nàng “dạy” rằng: “nếu như chúng ta coi rằng cái sự nghèo đói của thôn quê mà con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp và chúng ta coi vẻ đẹp của những cái mái rạ khói lên trong chiều mơ màng thì đó là cái vẻ đẹp mà chúng ta phải có trách nhiệm với cái sự nghèo đói đấy của xã hội. Có lẽ chính những cái người thành phố được ăn học như chúng ta và có hiểu biết và có nhiều sự lựa chọn phải có trách nhiệm với những người nông thôn mà vẫn đi đằng sau lưng con trâu đó”.
Trang Hạ
Tôi không nghĩ rằng hình ảnh “người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau” trong những năm 60 (phải nhấn mạnh rằng đó là những năm mà nhân dân miền Bắc phải căng mình chống chiến tranh phá hoại của Mỹ) vừa chiến đấu vừa thi đua tăng gia sản xuất để chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ, lại là cái có thể “làm tổn thương” xã hội. Với những người bình thường thì khi được nghe những giai điệu mượt mà và được xem lại những hình ảnh nhân dân miền Bắc anh hùng chắc tay súng vững tay cày trong ca khúc “Bài ca năm tấn”, chắc hẳn rằng không ai không bồi hồi xúc động và trào dâng một niềm cảm phục khó tả. Ấy thế mà những người được gọi là “nhà văn” ấy lại phán rằng hình ảnh ấy “làm tổn thương” xã hội (!?) Nhà văn này lại tiếp tục xuyên tạc rằng “suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi”. Không biết nhà văn này căn cứ vào đâu mà lại có thể đưa ra được nhận định như vậy bởi bất kỳ ai cũng có thể thấy những đổi thay đáng kể của nông thôn Việt Nam ngày nay. Dẫu rằng nhiều nơi trên đất nước vẫn còn chưa thoát khỏi đói nghèo nhưng sự thật rằng Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện và đạt được những thành tích đáng tự hào trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Điều này thiết nghĩ không cần minh chứng thêm vì thế giới cũng đã nói nhiều. Tôi không biết cô nhà văn này xuất thân từ đâu nhưng cái cách mà cô ta đánh giá về người nông dân thoạt nghe thì có vẻ rất cảm thông nhưng đằng sau đó lại mang nặng tính miệt thị, bề trên của một kẻ vẫn tự cho mình là “người thành phố được ăn học” dù rằng hàng ngày vẫn bỏ vào mồm những hạt gạo được làm ra từ mồ hôi và sự cơ cực của những người “đi sau đít con trâu”. Xem ra là nhà văn nhưng cô chưa thuộc được câu tục ngữ giản đơn nhưng sâu sắc: "Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Tiếp theo đó một ca khúc nữa bị “chịu trận” là bài “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Khi NSND Quang Thọ biểu diễn ca khúc này, những khán giả đủ lứa tuổi đã say mê hào hứng hát theo ca sĩ. Điều này khiến người xem cực kỳ hưng phấn. Khỏi phải nói thì ai cũng phải công nhận giá trị của ca khúc này. Ấy thế mà một nhà báo như Quỳnh Hương sau khi tỏ vẻ tôn vinh người công nhân của thế hệ trước đã ngay lập tức xỏ xiên rằng: “người công nhân của ngày hôm nay thì là những cái người mà cuộc sống ít an toàn nhất, khổ nhất và thu nhập thấp nhất, và họ có những cái gọi là, chúng ta có thể vẫn nói rằng cái xã hội này là xã hội của công nông binh đi vì đấy là XHCN, nhưng mà tôi nghĩ rằng đấy là những cái người mà họ không có một cái lựa chọn để mà cuộc sống họ tốt hơn và họ không có một cái gì để mà tự hào và kiêu hãnh về cái công việc, về cái nghề nghiệp của mình hết” (?!). Nói thật khi nghe câu này máu tôi đã sôi lên! Bản thân tôi tuy không phải là công nhân trực tiếp sản xuất nhưng công việc của tôi gắn liền với quá trình lao động và đời sống của người công nhân. Đành rằng công việc của họ rất nặng nhọc, đặc biệt là thợ lò nhưng không phải vì thế mà phán bừa rằng người công nhân họ không có cái gì làm thì mới phải buộc phải làm công nhân, rằng họ chỉ biết cắm mặt mà làm chứ không có gì mà tự hào.

Vẫn chưa hết, thạc sĩ - bác sĩ Tăng Hà Nam Anh lại tiếp tục “phang” rằng “người thợ lò người ta rất muốn đổi nghề lắm nhưng người ta biết đổi cái gì, và thậm chí là đôi khi người ta cũng sợ và không dám đổi”. Rất nhiều khán giả xem đài, đặc biệt là người trong ngành than đã bày tỏ sự bức xúc, thậm chí là phẫn nộ khi nghe những lời “bình loạn” trên. Hết đá xéo, xỏ xiên, miệt thị nông dân lại đến công nhân. Việc người nông dân, công nhân là thành phần lao động chân tay vất vả trong xã hội là điều đương nhiên, từ trước đến giờ và về sau vẫn thế, nếu so sánh với các nghề dịch vụ, văn phòng, nhà báo, nhà văn, bác sĩ,.. Nhưng về sức khỏe tinh thần lành mạnh thì không phải ông bác sĩ, bà nhà văn nào có thể so sánh với họ. Ngoài ra khả năng thẩm âm của ông thạc sĩ - bác sĩ này cũng là một điều khập khiễng đối với vai trò của một người chơi, thậm chí là "nhà phê bình", trong một chương trình âm nhạc. Một ca khúc đỉnh cao như “Tôi là người thợ lò” mà anh ta cho rằng nó chỉ là bài hát “cổ động”, và rằng anh ta rất dị ứng với ca khúc cổ động(!?) Anh ta nghe ca sĩ Quang Thọ hát thì thấy nó hay nhưng nó không có cảm xúc gì cả, nó hay chỉ vì nó hay (?!). Thực tế, qua bình chọn hôm đó, ca khúc này đạt số phiếu bình chọn cao nhất!
Tăng Hà Nam Anh

Lẽ ra đối với những “bình luận gia” như thế thì MC phải khéo léo chuyển hướng sang mời những người khác. Đằng này MC Hồng Thanh Quang cứ xơi xơi làm tới, khuyến khích cho những lời lẽ chói tai ấy tiếp tục phun ra. Lẽ ra khi thấy những hạt sạn to tướng như trên thì những người làm chương trình và những người có trách nhiệm của VTV phải nhặt vứt ra ngay. Đằng này với cái tiêu chí “sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả ngay trên sóng truyền hình, để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình” nên họ cứ xem như không biết, không nghe, không thấy và vẫn tiếp tục mời những kẻ xỏ xiên và “tai trâu” ấy bình loạn trong chương trình số thứ 2.

Đáng lo ngại hơn cả là phần bình luận của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương sau khi nghe bài “Đất nước trọn niềm vui”. Anh ta nói rằng đã có lần anh ta ngồi cùng với một người không cùng chiến tuyến của những người chiến sĩ ở miền bắc, và có một nỗi đau nó thầm lặng, nó cứ cứa đi cứa lại mỗi lần họ được nghe bài này vào cái dịp đó. Và anh ta đặt câu hỏi rằng “chúng ta đang hòa nhập tất cả những người Việt Nam trên cả thế giới, thế nhưng nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện này mãi như thế liệu chúng ta có thể xóa đi được ranh giới mà chúng ta vẫn tự tạo ra hàng năm hay không?”. Xem ra anh ta đang rất đồng cảm với “bên thua cuộc” (theo cách nói của tay osin Huy Đức). Anh ta sợ là sự hân hoan sung sướng của cả dân tộc Việt Nam trong ngày vui thống nhất đất nước qua ca khúc sẽ làm “đau lòng” thiểu số những kẻ khi xưa làm tay sai cho ngoại xâm? Lý lẽ này nào có khác gì việc bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) cho rằng việc phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ liệt sĩ sẽ làm đau lòng những bà mẹ lính ngụy?! Nếu theo ý anh ta thì chắc là để “hòa hợp, hòa giải” dân tộc, nhà nước đừng có tổ chức kỷ niệm ngày 30/4 nữa và chúng ta cũng đừng có hát bài “Đất nước trọn niềm vui” nữa vì đây sẽ là rào cản cho việc hòa hợp dân tộc (?!). Qua đây mới thấy nhận thức về lịch sử của một bộ phận không nhỏ giới trẻ thật đáng báo động.

Thật ra, tôi biết đây là một trò chơi truyền hình, nơi mà các nhà tổ chức đã "giăng bẫy" để nhận càng nhiều "gạch đá" của người hâm mộ càng tốt. Các vị kể trên là những người được phân vai "ác" trong sô diễn này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cho dù là vậy, chẳng ai có hiểu biết và một tấm lòng trong sáng về lịch sử Việt Nam mà lại sẵn sàng chường mặt mình lên truyền hình để nói nhăng nói cuội về những gì mình cho rằng đúng đắn. Về phía VTV, tôi cho rằng nhà đài cần xem lại vai trò Đài truyền hình quốc gia của mình đối với việc tổ chức những chương trình kiểu này. Bởi lẽ:

- Đài truyền hình quốc gia ngoài việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước còn phải đóng vai trò định hướng xã hội, dân trí phát triển lành mạnh về tinh thần, đúng đắn về nhận thức. Tuy nhiên, VTV qua chương trình này lại chạy theo lợi nhuận, cố gắng tạo ra những tình huống phản cảm về nhận thức để thu hút người xem.

- Tranh luận về những vấn đề chưa ngã ngũ để đi đến kết quả cuối cùng là đúng nhưng việc tạo ra một diễn đàn truyền hình với "thế trận" giữa những giá trị đã được khẳng định với những tư tưởng lệch lạc, lý luận nhạt nhẽo mang tính giật gân rẻ tiền thì vô cùng khập khiễng và "vô tình" nâng đỡ cho những thứ "rẻ tiền" đó lên một tầm vóc mới. Ranh giới giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và gian tà, giữa ánh sáng và tối tăm, giữa cái chung và cái tôi,... ngày càng bị xóa nhòa với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông mà tiếc thay, đài truyền hình quốc gia lại góp phần trong đó.

- Việc cho "giới trẻ" bóc tách các bài hát ra khỏi khung cảnh lịch sử của nó và nhét vào bối cảnh hiện tại để bình luận thì rõ ràng thể hiện sự tối tăm của chương trình. Điều đó chẳng khác gì bắt 1 con cá lên cạn và bình luận về khả năng bơi lội, vẻ đẹp mềm mại của nó vậy. Và ngay cả việc để cho "giới trẻ" phát biểu những câu ngớ ngẩn, gây sốc cũng là một trò bôi nhọ (không biết cố ý hay vô tình) khả năng hiểu biết lịch sử - chính trị và cảm quan của giới trẻ hiện nay. Hãy cứ nhìn vào kết quả biểu quyết sau mỗi bài hát của "giới trẻ khán giả" thì biết rằng cái "giới trẻ đang diễn" kia chỉ là đại diện cho cái thiểu số của "giới trẻ thực tế" mà thôi. Vậy thì thay vì những chiêu trò câu khách rẻ tiền, VTV nên để cho "giới trẻ thực thụ" nói lên cảm nghĩ thực sự của mình khi nghe những bài hát trong chương trình để những giai điệu ấy được ngân lên trong niềm tự hào tinh khiết của những thế hệ Việt.

Để xây dựng một xã hội XHCN, đất nước ta đang cố gắng vận hành một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng xem ra, "quyền lực thứ 4" của đất nước lại đang "định hướng TBCN". Các loại báo đài từ hội, sở, địa phương và giờ đến trung ương đều cuốn theo giá trị duy nhất của tư bản: đồng tiền, một giá trị có quyền năng phá bỏ mọi giá trị, nền tảng đạo đức, truyền thống và các giá trị nhân văn mà chúng ta đang theo đuổi. Có lẽ hơn bao giờ hết, Nhà nước nên xem xét lại "dây cương" của "con ngựa truyền thông" này trước khi nó bứt cương bỏ bầy ra ngoài tầm với./.
© Đất Đối Không - Nguyễn Thanh Tùng